Các bài viết

HỘI NGHIÊN CỨU – DỊCH THUẬT TPHCM

THAM LUẬN VỀ VẤN ĐỀ DỊCH THUẬT HIỆN NAY

Người viết: CTV. Trần Hữu Trần Huy

 

Kính thưa Quí vị,      

Hiện nay đang nổi lên nhiều vấn đề về dịch thuật được giới truyền thông và xã hội quan tâm. Những hạt sạn ngày càng nhiều trong công tác dịch thuật làm mọi người liên tưởng đến những sản phẩm kém chất lượng có khả năng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động giao lưu quốc tế trong mọi lĩnh vực. Rõ ràng rằng chúng ta – Hội NCDT TPHCM cũng đang đứng trước những nghi vấn này của họ. Với tư cách là một Cộng tác viên từ nhiều năm nay của Hội NCDT TPHCM, bản thân tôi cũng cảm thấy cần có một số chia sẻ về vấn đề dịch thuật mà bản thân đã từng trải qua.

 

            Trước hết, phải nói rằng việc dịch thuật ngày nay trở nên DỄ hơn bao giờ hết. Thậm chí bất kỳ ai, chỉ cần hơi rành rẽ 1 tí về công nghệ thông tin thì chẳng cần biết gì về ngoại ngữ cũng có thể HÔ BIẾN mình thành một “chuyên gia dịch thuật” ngay tức khắc. Ấy là nhờ sự hỗ trợ của biết bao phần mềm chuyên dụng hoặc đơn giản nhất là Google Translation hoặc hàng chục trang dịch trực tuyến khác. Thật đơn giản chỉ cần COPY và PASTE đoạn văn gốc vào và nhấn 1 nút, thế là có ngay đoạn văn dịch ra bất kỳ ngôn ngữ nào mà bạn thích. Có những phần mềm hoặc trang web thậm chí cho phép dịch nguyên một đoạn văn dài cả trang A4 chỉ trong tích tắc. Dạo quanh một số diễn đàn đang hot hiện nay như tangthuvien.com, thegioitruyentranh.vn … bạn hoàn toàn có thể lượm về cho mình những bộ công cụ tiện lợi nhất để phục vụ cho việc biến mình thành Chuyên Gia Dịch thuật. Nhưng cũng bởi những lý do đó, kết quả là ngày nay chúng ta có vô vàn trang dịch cẩu thả, đầy câu chữ tối nghĩa hoặc thậm chí quá thoáng theo kiểu “mì ăn liền” hay “sát thủ đầu mưng mủ” …. Ai sẽ là người phải gánh chịu hậu quả và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc này đây? Thật đáng buồn khi phải nói rằng KHÔNG CÓ AI phải chịu trách nhiệm ở đây cả …. Chỉ có một sự thật rất phũ phàng là những “Dịch Giả” như thế vẫn hàng ngày lượm tiền một cách nhanh chóng, hỏi vậy ai lại không theo nghề “Dịch Giả” khi đã biết cách làm như trên?

 

            Tuy nhiên, không có nghề nào chân chính mà lại đơn giản cả, dịch thuật lại càng phải là một công việc RẤT KHÓ để trở thành một Dịch giả chân chính đúng nghĩa. Một bản dịch được xem là hoàn hảo khi nó đáp ứng được các tiêu chí sau: chính xác, rõ ràng, dễ hiểu và đặc biệt là phải có tính NHÂN VĂN. Yếu tố Nhân Văn ở đây phải được hiểu là việc dịch phải GẦN GŨI với văn phong và lối tư duy của người đọc. Có như vậy thì bản dịch mới khiến người đọc THẤY và HIỂU được những gì đã, đang và sẽ diễn ra. Mà để đạt được điều này thì rõ ràng đòi hỏi người dịch phải có vốn sống và sự hiểu biết phong phú, thậm chí trên cả nhiều lĩnh vực của cuộc sống, đồng thời phải tham khảo, tra cứu từ nhiều nguồn khác nhau để đôi khi chỉ là tìm ra nghĩa thích hợp của một từ, một đoạn văn trong mỗi ngữ cảnh khác nhau. Bản thân tôi cũng có thể đưa ra đây một ví dụ đơn giản để dễ thấy sự dễ sai sót trong việc dịch thuật. Chẳng hạn như cụm từ “Ủy ban Nhân dân” trong tiếng Việt chúng ta, ta vẫn thấy nhan nhản ở các Ủy ban phường quận đều dịch là People’s Committee, đây là dịch sát nghĩa từ tiếng Việt, tuy nhiên nếu đem cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh mà dịch sang tiếng Nga thì sai hòan toàn, ý nghĩa đúng của từ Ủy ban nhân dân phải được hiểu là Ủy ban Nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương – vậy nó mới đúng ý nghĩa của cụm từ mang tính lịch sử cách mạng từ thời Cách mạng tháng 10 Nga – và khi đó phải dịch là   (Narodnaya  Committia) chứ không phải là    (Committia Liudei) – như cách dịch từ Ủy ban Nhân dân. Muốn dịch đúng từ này chỉ có 2 cách: một là anh phải sống ở Nga, hai là anh phải tra cứu các văn bản pháp lý của Nga. Chỉ khi đó mới có thể dịch đúng với văn phong của người đọc. Hoặc cũng có lần tôi dịch các văn bản từ Viện bảo tàng Tôn Đức Thắng có các tài liệu bằng tiếng Nga từ những năm 1950-1960, trong đó có nhiều tên riêng, địa danh mà ngày nay không thể biết hoặc không còn tồn tại. Vì tiếng nước ngoài không có dấu như tiếng Việt ta, nên việc dịch ra tên riêng hoặc địa danh cho chính xác là việc cực kỳ khó khăn. Vậy để làm sao không sai lệch tính lịch sử, điều này bắt buộc tôi đã phải lục tìm khá nhiều tài liệu từ Danh sách đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 1, khóa 2, từ các tài liệu được Chính phủ ban hành trong giai đoạn đó để đảm bảo các tên riêng này được dịch chính xác với tên thật của nó trong tiếng Việt. Ở đây có lẽ quí vị cũng đã có nhiều trải nghiệm tương tự hoặc phức tạp hơn khi dịch thuật.

 

            Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng việc Dịch thuật để có được những sản phẩm hoàn hảo thì rõ ràng là không dễ tí nào, bởi nó rất cần sự tận tụy, lòng chính trực và kể cả sự trải nghiệm, hiểu biết của người dịch lớn biết dường nào. Nếu thiếu đi những điều kể trên, có lẽ nghề dịch chỉ còn là nghề “bấm chuột máy tính” mà thôi. Tôi có thể ví von ở đây, nghề dịch thuật của chúng ta giống như những con tằm, vẫn ngày ngày cần mẫn kéo tơ để lại cho đời những sản phẩm có chất lượng tốt. Chỉ mong sao những “con tằm” này vẫn còn có thể được sống tốt, sống khỏe để mà tiếp tục “nhả tơ cho đời”.

 

            Chúc quí vị có nhiều sức khỏe và thành công, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

            Trân trọng kính chào.

Tp.HCM, ngày 20 tháng 06 năm 2013

Người viết

Trần Hữu Trần Huy (CTV tiếng Nga)


CẦN TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC VIỆT NAM - INDONESIA

                                                                                                          PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch*
Trường Đại học Phan Thiết

1. Vài nét về quan hệ Việt Nam – Indonesia

Việt Nam và Indonesia là hai nước trong khu vực Đông Nam Á, tuy không có đường biên giới chung nhưng chia sẻ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa chung, có quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế từ buổi bình minh của lịch sử và qua các thời kỳ lịch sử, đến thời kỳ hiện đại càng gắn bó mật thiết hơn([1]). Ở Đông Nam Á, khi quân phiệt Nhật đầu hàng Đồng minh, chiến tranh thế giới II kết thúc, có hai nước đã nhanh chóng chớp thời cơ lịch sử ngàn năm có một, đứng lên tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám thành công, thành lập nước Cộng hòa Indonesia và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa đất nước bước vào thời kỳ độc lập và phát triển. Nhưng sau cách mạng giành chính quyền cả hai nước đều phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Hà Lan tái xâm lược. Vì vậy, sau kháng chiến, đến 30/12/1955 hai nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Indonesia mới thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Tổng lãnh sự.

Cũng năm 1955, Indonesia là nước đăng cai tổ chức Hội nghị Bangdung lịch sử, đặt nền móng hình thành phong trào Không liên kết (Non Aligned Movement – NAM). Tuyên bố Bangdung, những nguyên tắc Bangdung (năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình) có giá trị lịch sử quan trọng đối với lịch sử phong trào Không liên kết và cả thế giới thứ ba, cả cộng đồng quốc tế suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Cũng chính vì thế Cộng hòa Indonesia không bị lôi cuốn vào quĩ đạo của đế quốc Mỹ và các nước phương Tây trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Cộng hòa Indonesia không tham gia SEATO, không dính líu đến cuộc “chiến tranh Việt Nam” do Mỹ tiến hành.

Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Indonesia. Cùng năm này, Tổng thống Sukarno thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai vị lãnh tụ khai sinh nền độc lập của hai nước chính là những người đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta.

Chẳng những thế, ngày 15.8.1964 Việt Nam và Indonesia còn nâng  quan hệ ngoại giao lên cấp đại sứ. Từ cuối năm 1965 tình hình chính trị ở Indonesia biến động, tướng Suharto lên nắm chính quyền, thiết lập chế độ “Trật tự mới” (New Order) nhưng vẫn duy trì quan hệ với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – một nước “Cộng sản” dưới góc nhìn của phương Tây([2]).

Indonesia đã chào mừng thắng lợi của Việt Nam năm 1975. Những năm1975-1978 quan hệ giữa hai nước phát triển tốt đẹp. Tháng 10.1978 Thủ tướng Phạm văn Đồng thăm hữu nghị chính thức Indonesia và các nước Đông Nam Á.

Trong thời kỳ căng thẳng, phức tạp ở Đông Nam Á giữa hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN, phản ứng của Indonesia cũng chừng mực và chính phủ nước này đã tìm những giải pháp xây dựng, tìm lối thoát cho “vấn đề Campuchia”, tiêu biểu là sáng kiến tổ chức tiệc rượu ở Jakarta (JIM 1 và JIM 2), tích cực cùng cộng đồng quốc tế tìm giải pháp hữu hiệu giải quyết tình hình Campuchia năm 1991.

Sau chiến tranh lạnh, Tổng thống Suharto là nguyên thủ của nước thành viên ASEAN quan trọng đến thăm Việt Nam. Indonesia cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam hội nhập với ASEAN. Ngày 28.7.1995 Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN.

Từ 1995 đến nay mối quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp về chính trị, ngoại giao. Song do hoàn cảnh riêng của mỗi nước nên các mặt hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục còn hạn chế, chưa xứng tầm về tiềm năng của mỗi nước. Năm 2009, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt xấp xỉ 2 tỉ USD và năm 2010 có thể vượt qua 2 tỉ USD.

2. Nền văn hóa của Indonesia rất giàu có và đa dạng

Trong khuôn khổ hội thảo, với một bài viết nhỏ, xin lược qua về văn học Indonesia.

Đó là một nền văn học phong phú. Nhưng suốt hàng nghìn năm lịch sử, thậm chí đến tận thế kỷ XX văn chương truyền miệng là phổ biến, khó phân biệt giữa Malaya và Indonesia. Thậm chí đến 1930 Bahasa Malaya vẫn còn đóng vai trò là lingua franca (ngôn ngữ giao tiếp) ở vùng hải đảo.

Các nhà nghiên cứu phân kỳ lịch sử văn học Indonesia thành các giai đoạn sau:

-         Pujangga Lama: the “Literates of Oden Times” – (Văn học truyền thống).

-         Sastra Melayu Lama: “Older Malay Literature” – (Văn học Malay cổ).

-         Angkatan Balai Pustaka: the “Generation of the [Colonial] office for Popular Literature”, from 1908 – Thế hệ văn phòng thực dân vì văn học bình dân, từ 1908.

-         Angkatan Pujanga Baru: the “New Literature (from 1933) Văn học mới từ 1933([3]).

-         Angkatan 1945: the “Generation 1945” – Thế hệ 1945.

-         Angkatan 1950-1960: the “Generation of the 1950” – Thế hệ thập niên 1950.

-         Angkatan 1966-1970: the “Generation 1966 into 1970” – Thế hệ từ 1966 đến thập niên 1970 – giai đoạn đầu chế độ “Trật tự mới” của Suharto.

-         Angkatan 1980 – an: the Decade of the 1980” – giai đoạn thập niên 1980, giai đoạn nửa sau chế độ “Trật tự mới” của Suharto.

-         Angkatan Reformasi: the post – Suharto Reformation period – giai đoạn cải cách hậu Suharto.

-         Angkatan 2000 – an: the “Generation of 2000” – giai đoạn từ năm 2000.

Các thể loại văn chương truyền thống: Gồm nhiều thể loại thơ (văn vần) và truyện, trong đó có các thể loại chính:

-         Syair (traditional narrative poetry): Syair Bidasari, Syair Kentambuhanh, Syair Raja Mambang Jauhari, Syair Raja Siak…

-         Pantun (quatrains made up of disconnected couplets): thơ bốn chữ, vần lưng ở cuối mỗi cặp câu, loại thế này rất phổ dụng trên cả quần đảo và thế giới Malaya nói chung. Ví dụ: Sejarah Melayu – Truyện sử Malay.

-         Hikayat (stories, fairy-tales, animal fables, chronicles): truyện kể, truyện tình cảm, truyện loài vật, biên niên. Ví dụ: Hikayat Abdulat, Hikayat Kalila dan Damina, Hikayat Andaken Penurat, Hikayat Masydulhak, Hikayat Bayan Budiman, Hikayat Belanduk Jinaka, Hikayat Djahidin, Hikayat Pandja Tanderan, Hikayat Hang Tuah, Hikayat Putri Djohar Manikam, Hikayat Kadirum, Hikayat Tjendera Hasan, Tsahibul Hikayat.

-         Babad: truyện lịch sử: Sejarah Malayu.

Dưới đây xin trình bày kỹ hơn một chút về văn học cận đại và hiện đại Indonesia.

2.1 Giai đoạn 1870-1942:

Đây là giai đoạn tiếp biến và chuyển đổi từ nền văn học truyền thống sang nền văn học cận đại Indonesia. Việc sử dụng chữ viết Latinh hóa với sự hỗ trợ của hệ thống trường học thuộc địa và bản địa, của báo chí xuất bản, được chuyển tải bởi tầng lớp trí thức mới tiếp thu nền giáo dục và những tinh hoa văn hóa nhân loại, mà yếu tố Hà Lan – châu Âu nổi trội – đã góp phần định hình diện mạo mới của nền văn học bản xứ “Ấn Độ-Hà Lan”([4]).

Từ đầu thế kỷ XX thực dân Hà Lan thi hành chính sách “đạo đức”, mở mang hệ thống y tế, giáo dục cho cộng đồng bản xứ cũng là lúc sự thức tỉnh tinh thần dân tộc ngày càng mạnh mẽ. Budi Utomo (Lương tri xã / Ước vọng cao cả) ra đời năm 1908, Sarekat Islam ra đời năm 1912 và nhiều phong trào chính trị - xã hội – văn hóa – giáo dục khác đã góp phần làm cho nền văn hóa nói chung, nền văn học Indonesia nói riêng khởi sắc vào những thập niên kế tiếp của thế kỷ XX.

Tiến trình phát triển của nền văn học Indonesia thế kỷ XX cũng có nhiều điểm tương đồng với nền văn học Việt Nam, cả văn xuôi (truyện, tiểu thuyết), thơ mới, kịch. v.v…

Năm 1920, Balai Pustaka được thành lập (Pustaka: Bureau/ Commission; Balai: popular literature/ folklore). Tập hợp trong Balai Pustaka gồm nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, sưu tầm tâm huyết với di sản văn học, văn hóa dân tộc. Linh hồn hay “vua” của nó Nur Sutan Iskandar ([5]). Hầu như các thể loại văn học bình dân, kể cả văn học tôn giáo, của cả các tộc người chính  ở Indonesia.

Thời kỳ hai thập niên đầu thế kỷ XX chuẩn bị cho sự chín muồi và bùng nổ của văn học dân tộc trong hai thập kỷ tiếp theo – thập kỷ 20, 30 đến khi quân phiệt Nhật xâm chiếm quần đảo vào đầu năm 1942. Đây chính là thời kỳ đặt nền móng vững chắc cho nền văn học Indonesia hiện đại với các tên tuổi lớn như Sutan Takdir Alisjahbana, Hamka, Armijin Pane, Sanusi Pane, Amir Hamzah, Roestam Effendi, Sariamin Ismail, Anak Agung Pandji Tisna, J.E.Tatenkeng, Fatimah Hasan Delai, Said Daeng Muntu, Karim Halim.

Song hành với thơ, truyện, tiểu thuyết do các tác giả Indonesia sáng tác, thời kỳ này đọc giả cũng biết đến nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới được dịch ra tiếng Malayu (lúc đó chưa phân biệt Bahasa Malaya và Indonesia). Nhiều sáng tác chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn (romanticism) và chủ nghĩa lý tưởng (idealism).

Nội dung văn học thời kỳ này phản ánh hiện thực xã hội thực dân Hà Lan của những ngòi bút hiện thực phê phán. Tác giả nổi tiếng Abdul Muis viết “Nền giáo dục sai lầm”([6]) là một quyển tiểu thuyết tiêu biểu. Tiểu thuyết này đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản ở Hà Nội từ  năm 1961, đến nay đã gần nửa thế kỷ. Tôi đã đọc tiểu thuyết này từ khi còn học trung học, sau đó đọc lại khi vào đại học. Tiếc rằng những cuốn sách hay như vậy ít được dịch và giới thiệu ở cả hai phía để thế hệ trẻ hiểu biết hơn về nhau.

2.2. Văn học hiện đại Indonesia từ 1945 đến nay:

Đây là thời kỳ phát triển vô cùng rực rỡ của nền văn hóa dân tộc Indonesia nói chung, văn học nói riêng. Như trên đã nói, tuy trải qua gần 2/3 thế kỷ (65 năm) nhưng nền văn học mới có sức sống rất dồi dào, nhiều nhà nghiên cứu chia thành sáu Angkatan (thế hệ/ generation) kế tiếp luôn có sự kế thừa và chuyển giao từ thế hệ trước sang thế hệ sau.

Văn chương thế hệ 1945 mang dấu ấn đậm nét của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc thực dân. Hầu hết các nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ này đều  trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập và kháng chiến bảo vệ nước Cộng hòa Indonesia non trẻ. (Chairil Anwar, Asrul Sani, Rivai Apin, Idrus, Achdiat Karta Mihardja, Trisno Sumardjo, Utuy Tatang Sontani, Suman Hs.).

Thế hệ 1950-1965 là thế hệ tiếp nối thế hệ 1945, đất nước giành lại và củng cố nền độc lập dưới sự lãnh đạo của vị Tổng thống đầu tiên Sucarno. Giai đoạn từ cuối thập niên 1950 đến 1965 là giai đoạn “Dân chủ có lãnh đạo”, ảnh hưởng của Đảng cộng sản Indonesia và lực lượng cấp tiến khá mạnh nên cũng phản ánh trong văn chương khuynh hướng xã hội chủ nghĩa.

Thời kỳ chế độ “Trật tự mới” kéo dài hơn 30 năm (1966-1998) nên ảnh hưởng rõ rệt đến hai thế hệ văn học.

Thời kỳ “hậu Suharto” được coi là thời kỳ cải cách (Reformasi), nở rộ nhiều khuynh hướng tự do. Dường như sự dồn nén của chế độ “Trật tự mới”, của những luật tục Islam (saryah) nay được giải phóng, như tháo cũi sổ lồng. Nhiều nhà văn trẻ, trong đó có những cây viết nữ giải bày những vấn đề giới tính, tình dục nhạy cảm được xem như chuyện cấm kỵ với một xã hội có đến 88% dân số là tín đồ Islam (Muslim), nổi tiếng trên văn đàn Indonesia những năm gần đây là Dewis Latari, Ayu Utami([7]). Tác phẩm của họ gây ra những phản ứng trái chiều trong xã hội (là điều hiển nhiên), nhưng được xếp vào loại best seller, số ấn bản lên đến hàng chục ngàn bản, đọc giả hầu hết là giới trẻ.

Tuy thế, tôi xin nêu một trường hợp đặc biệt trong văn học hiện đại Indonesia, đó là nhà văn Pramoedya  Ananta Toer (1925-2006). Ông là nhà văn đa tài, sự nghiệp rất đồ sộ, có đến trên 30 tác phẩm gồm nhiều thể loại văn, thơ, phê bình, nghiên cứu, trải dài qua nhiều thế hệ từ 1945 đến sau này. “P.A. Toer là nhà văn vĩ đại nhất trong nền văn học Indonesia hiện đại”([8]). Ông không chỉ nổi tiếng trong nước như một nhà văn chiến sĩ đấu tranh cho nền độc lập, tự do, dân chủ, một cây đại thụ của nền văn học hiện đại Indonesia, mà văn nghiệp của ông cũng nổi tiếng trên thế giới, được trao 8 giải thưởng của các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Na Uy, Nhật, Chile. Năm 1995 ông được trao giải thưởng Magsaysay (tên một vị Tổng thống Philippines) va cũng được đề cử giải Nobel văn chương.

   Ấy vậy mà ở Việt Nam rất ít người biết về ông, có lẽ chưa dịch tác phẩm của ông. Đề nghị các bạn Indonesia giới thiệu và tạo điều kiện cho dịch giả Việt Nam dịch và giới thiệu về P.A. Toer, về các nhà văn, nhà thơ, các công trình nghiên cứu về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Indonesia cho bạn đọc Việt Nam.

3. Indonesia học và hợp tác văn hóa – giáo dục giữa hai nước Việt Nam – Indonesia.

Tôi và một số đồng nghiệp có may mắn góp phần xây dựng Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á, ngành Indonesia học, Malaysia học, Thái Lan học (Đông Nam Á học) ở trường Đại học Tổng hợp, thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1990, nay là trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa đầu tiên (1994-1998) đến nay đã có nhiều khóa, đào tạo hàng trăm cử nhân ngành Đông phương học, chuyên ngành Đông Nam Á học. Họ đã góp phần tích cực, năng động vào việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam – Indonesia, giữa Việt Nam  và các nước bè bạn ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia .v.v…

Nhân cuộc hội thảo này, nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Indonesia, khoa Đông phương học trường Khoa học Xã hội – Nhân văn và Hội nghiên cứu -  dịch thuật thành phố Hồ Chí Minh với sự tài trợ của Tổng lãnh sự quán nước Cộng hòa Indonesia có sáng kiến tổ chức hội thảo này là một việc có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc. Mong rằng cuộc gặp gỡ này sẽ gợi mở và đề ra những chương trình hợp tác cụ thể, có hiệu quả trong thời gian tới để tăng cường, mở rộng, thắt chặt mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Indonesia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đình Bin (chủ biên). 2002. Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, NXB CTQG.

2. Lương Ninh (chủ biên). 2005. Lịch sử Đông Nam Á. NXB Giáo dục.

3. Đức Ninh (chủ biên). 2004. Từ điển văn học Đông Nam Á. NXB KHXH.

4. Trần Thị Mai. 2007. Lịch sử bang giao Việt Nam Đông Nam Á. NXB ĐHQG TP HCM.

5. Báo Nhân dân, Tiền phong, Tuổi trẻ, Việt báo.

6. Tài liệu các Website: mofa.org.vn, các tài liệu internet.


* Hiệu Trưởng

[1] Có nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa tiền sử Việt Nam-Indonesia, từ thời đại đá cũ, đá mới (văn hóa Hòa Bình), thời đại đồ đồng (đỉnh cao là văn minh Đông Sơn). Đại Việt và Chăm pa cũng có quan hệ với các quốc gia hải đảo, được biết đến là Java, Trảo Qua, Chà Và v.v…

[2] Trong khi đó Cộng hòa Indonesia cắt đứt quan hệ với Trung Quốc đến hết chiến tranh lạnh, năm 1990 mới nối lại quan hệ ngoại giao.

[3] Cùng thời phong trào thơ mới ở ViệtNam.

[4] Tên gọiIndonesia thời kỳ này.

[5] Nur Sutan Iskandar được tôn xưng là “King of Balai Pustaka Generation”.

[6] Abdul Muis – Salah Asuhan (1928): Wrong Education:  Nền giáo dục sai lầm. Tiểu thuyết tiêu biểu cho văn học hiện thực phê phán ởIndonesia. Tiểu thuyết này được dịch ra tiếng Nga năm 1960. Tôi không tìm lại được cuốn này nên không rõ dịch giả người Việt dịch từ tiếng Nga hay từ nguyên bản, hay từ một ngôn ngữ nào khác.

[7] Tuổi trẻ, Tiền phong, 27.3.2006. Dẫn lại theo Việt báo/ Le Monde.

[8] Theo John Walsh. Wikipedia.

 VIỆT NAM - INDONESIA
MỘT VÀI ĐỊNH HƯỚNG VỀ HOẠT ĐỘNG DỊCH THUẬT 

ThS. Nguyễn Thị Đức

Hội Nghiên cứu – Dịch thuật TP.HCM

           Đất nước ViệtNamngày càng đổi mới, mở rộng, phát triển hợp tác quốc tế không ngừng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt đối với các nước trong khu vực Asean. Indonesia là một trong những nước có mối quan hệ gắn bó mật thiết với Việt Nam hơn nữa thế kỷ qua, bởi có cùng mối quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh giành độc lập cho đất nước, luôn coi trọng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xã hội, kinh tế, trao đổi văn hóa, giáo dục, du lịch, quan hệ cộng đồng, hoạt động nhân đạo,… đồng thời luôn hỗ trợ lẫn nhau trong khuôn khổ khu vực và thế giới.

Việc xây dựng mối quan hệ ngoại giao giữaIndonesiavà ViệtNamđã hình thành từ khá lâu (năm 1955). Trước hết, mối quan hệ hợp tác hoạt động tích cực trên lĩnh vực thương mại và đầu tư, đã có nhiều dự án đầu tư, tập trung cho các lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến xuất khẩu gỗ, may mặc,…tổng giao dịch thương mại đạt 13 tỉ USD với tốc độ phát triển 26%/năm . Trong lĩnh vực du lịch, nhân dân hai nước đã bắt đầu biết đến nhau như là điểm đến du lịch, đường bay đã liên kết thẳng từ Jakarta-Indonesia sang ViệtNamtừ năm 2009. Quan hệ hợp tác về văn hóa xã hội được diễn ra thường xuyên, với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, lễ hội văn hóa, lễ hội ẩm thực, hay trao đổi văn hóa trong khu vực Asean,… giới thiệu cho người dân Việt Nam nói chung và người dân thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, hiểu thêm về đất nước, con người Indonesia. Trong lĩnh vực giáo dục, chính phủIndonesiađã cấp nhiều học bổng ngắn hạn và dài hạn về ngôn ngữ, văn hóa và nghệ thuật cho sinh viên ViệtNamhọc tập tại các trường Đại học ởIndonesia. Mỗi năm, tổng số suất học bổng ngày càng tăng lên. Ngược lại, các sinh viênIndonesiacũng đã đến tham gia các chương trình học tập tại các trường Đại học ViệtNam, đồng thời cũng tích cực tham gia các hoạt động  văn hóa – nghệ thuật, với mục đích hiểu biết sâu hơn truyền thống văn hóa của hai nước.

Ngoài ra, các hoạt động nhân đạo, mối quan hệ cộng đồng giữa nhân dân hai nước đã góp phần làm thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia, thông qua các Câu lạc bộ, các Hội, điển hình như hội “Những người bạn của Indonesia” được ra đời nhằm giới thiệu nền văn hóa truyền thống tốt đẹp của đất nước Indonesia đến với nhân dân Việt Nam. Tham gia các hoạt động nhân đạo vì “nạn nhân chất độc da cam”, hay “Hiến máu nhân đạo”, đã biểu thị tính nhân văn tốt đẹp giữa hai dân tộc và hai đất nước.

Nói đến Indonesia là nói đến một đất nước có một nền văn hóa hòa hợp đa dạng giữa các nền văn hóa và phong tục của nhiều tôn giáo, đặc biệt khi nhắc đến Indonesia, không thể không nhắc đến nền văn hóa Bali, một nền văn hóa đậm chất phương Đông hết sức phong phú, với những nghi lễ, phong tục, nghệ thuật, tôn giáo. Đất nước Indonesia lại là đất nước của những lễ hội, hàng năm có rất nhiều lễ hội diễn ra và người dân Indonesia luôn nồng nhiệt tham gia, điển hình như lễ hội Tahun Baru Masehi, lễ hội Bali, lễ hội Kasada, lễ hội Ramanda, tết Tahun Baru Saka, tết Tahun Baru Imlek,…hay các loại hình nghệ thuật nổi tiếng như Múa Bali đặc biệt quyến rũ, được cả thế giới biết đến, nghệ thuật điêu khắc thì đặc biệt phát triển tại vùng Bali, là niềm tự hào của người dân nơi đây, thu hút nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc từ  nhiều quốc gia đến đây tìm cảm hứng sáng tác bởi nền văn hóa đa dạng của vùng đất nầy. Và còn nhiều điều thú vị khác mà đất nướcIndonesia cần giới thiệu cùng bè bạn thế giới cũng như ViệtNam.

Cũng vậy, Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam có một truyền thống lâu đời về văn hóa, văn hiến, phát triển và kết tinh thành giá trị chân – thiện – mỹ. Các giá trị văn hóa truyền thống đó, phản ánh đời sống tinh thần, tâm hồn và tình cảm của dân tộc thông qua các sản phẩm vật thể và phi vật thể của văn hóa, nó cần được bảo tồn và phát huy, được xem như hành trang của những con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, đi vào công cuộc đổi mới, hội nhập cùng với thế giới để phát triển và Việt Nam trở thành điểm đến thân thiện, hiểu biết và hữu nghị.

Để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đem đến sự yêu thích, cũng như cơ hội tìm hiểu và nối tiếp sự hợp tác tích cực  trong việc xúc tiến thương mại, kinh tế, giáo dục, du lịch và đầu tư, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, và đặc biệt mở rộng mạnh mẽ hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thiết nghĩ hoạt động dịch thuật là biện pháp khá hữu hiệu và đem lại hiệu quả sâu rộng trong nhân dân cả hai nước Việt Nam và Indonesia.

Tuy có nhiều hoạt động đã diễn ra trong 55 năm qua giữa 2 đất nước Việt Nam – Indonesia kể từ khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao, và năm 1995 khi Việt Nam chính thức gia nhập hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dù hai quốc gia đã có quan hệ song phương một cách tích cực và phát triển trên khá nhiều lĩnh vực, nhưng để chuyển tải một cách sâu rộng những nội dung cần tìm hiểu thêm, cần nhận thức thêm, thì cần thiết phải tăng cường nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau. Hiện nay, việc tìm một tài liệu, một quyển sách chuyên đề giới thiệu về đất nước, về con người, cũng như các hoạt động truyền thống văn hóa của Indonesia là cực kỳ hiếm hoi, mà thường chỉ có những tài liệu riêng lẽ, hoặc được đề cập rất ít trong các tài liệu viết chung về Đông Nam Á. 

Thực tế trong nhiều năm qua, đi liền với việc mở rộng mối quan hệ quốc tế và khu vực, thì nhu cầu về học tập ngoại ngữ ở các quốc gia Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng gia tăng đáng kể, và cũng hết sức đáng mừng là số người thông thạo ngoại ngữ trong xã hội Việt Nam ngày càng phát triển. Tuy nhiên chủ yếu vẫn tập trung các loại ngôn ngữ thông dụng như Anh, Pháp, Hoa, gần đây một số ngôn ngữ khác cũng đang được chú ý như Hàn, Nhật, Nga, Đức,…, còn các ngôn ngữ như Ý, Tây Ban Nha, Kh’mer, Indonesia, Malaysia, Thái ,…chưa được chú ý, và cũng rất ít người quan tâm tìm hiểu, học tập, mà chủ yếu là các môn học được tập trung đào tạo trong các trường đại học, với số lượng sinh viên khá khiêm tốn.

Điều này đã góp phần quan trọng trong công việc chuyển dịch các thông tin, các văn bản, tài liệu, các tác phẩm, tới quảng đại quần chúng ngày một nhiều thông qua hoạt động biên dịch, phiên dịch, cùng với các phương tiện thông tin đại chúng khác trong thời gian qua. Tuy nhiên, riêng những thông tin về đất nước Indonesia, chưa thể đong đầy bởi những hạn chế về ngôn ngữ, về biện pháp truyền thông, thông tin, khiến những nền văn minh bí ẩn, văn hóa của người Java, văn hóa vùng Bali, tiếng Indonesia, Đền Phật giáo Borobudur,  những điệu múa, điệu nhảy đặc sắc vùng Bali, những làng quê truyền thống với nghề điêu khắc gỗ, đá, đồ bạc,.v.v… chưa thể trở thành những điều kiện thuận lợi cho những ai muốn nghiên cứu sâu sắc về một nền văn hóa phương Đông đầy hấp dẫn, cũng như chưa tạo ra được những sản phẩm tinh thần đặc sắc của một đất nước nhiều sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo như Indonesia.

Trong Hội thảo lần này, người viết xin kiến nghị một vài biện pháp trước mắt nhằm thực hiện tốt việc trao đổi, nghiên cứu và giao lưu văn hóa qua hoạt động dịch thuật giữa Tổng Lãnh Sự quán Cộng Hòa Indonesia với Hội Nghiên cứu – Dịch thuật và Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn tại thành phố Hồ Chí Minh như sau:

1. Phối hợp đẩy mạnh việc quảng bá, tuyên truyền học tập tiếng Indonesia, nhằm phát huy việc biên soạn, biên dịch các tài liệu nghiên cứu và giới thiệu về đất nước Indonesia.

2. Phối hợp xây dựng nội dung chương trình phát thanh định kỳ trên Đài Phát thanh TP. Hồ Chí Minh bằng 2 thứ tiếng Việt Nam – Indonesia, giới thiệu nghệ thuật truyền thống của hai đất nước.

3. Liên kết một số nhà xuất bản của Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh, và của Indonesia, thành phố Jakarta, biên dịch và phát hành các tác phẩm văn hóa, văn học, âm nhạc, múa, hội họa, điêu khắc, kinh tế, thương mại,…nhằm giới thiệu rộng rãi cho nhân dân ở tại hai thành phố lớn của hai quốc gia.

4. Lãnh Sự quán Cộng hòa Indonesia tại thành phố Hồ Chí Minh có thể phối hợp thường xuyên với Hội Nghiên cứu – Dịch thuật TP.HCM và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM tiếp tục tổ chức các sự kiện văn hóa, tăng cường hơn nữa những hoạt động nghiên cứu khoa học với những chuyên đề mang tính thời sự, xã hội, thông tin nhanh chóng, kịp thời, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các giảng viên và sinh viên khoa Đông Phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cụ thể là chuyên ngành Indonesia, được tham quan trao đổi kinh nghiệm tại đất nước Indonesia.  

         

liên hệ trực tuyến

Hot line: (08)39 325 473
Hot line: (08)39 325 407

Đăng nhập

Tên đăng nhập 
Mật khẩu